30/03/2016
Châu Á - doanh số rượu bia vượt tăng trưởng kinh tế
Theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International (Anh), doanh số bán bia tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ít nhất gấp đôi mức tăng GDP trong năm 5 qua.
Tại lễ khởi công nhà máy bia ở TP.HCM hồi tháng 5, Michel Doukeris, Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng bia Anheuser-Busch nói: “Châu Á - Thái Bình Dương hiện là thị trường lớn thứ 3 của Anheuser-Busch xét về lượng tiêu thụ. Việt Nam được cho là bước ngoặt tiếp theo cho hãng trong khu vực Đông Nam Á”.
Anheuser-Busch hiện là công ty sản xuất bia lớn nhất thế giới với các sản phẩm nổi tiếng như Budweiser và Beck. Sau khi hoàn thành, nhà máy mới sẽ sản xuất đến 100 triệu lít bia mỗi năm.
Trong 5 năm tới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chiếm đến 70% tăng trưởng bia toàn cầu, Roland Pirmez, Chủ tịch khu vực của hãng Heineken nói vào tháng 3.2014.
Ông Pirmez cho biết trong năm 2013, trung bình mỗi người dân châu Á tiêu thụ 29 lít đồ uống có cồn. Ở châu Âu, con số này là 59 lít và các khu vực còn lại, mức tiêu thụ là 48 lít. Số liệu trên cho thấy châu Á là thị trường có “tiềm năng chưa được khai thác”.
Hàng loạt nỗ lực kiềm chế lượng cầu bia rượu
Bloomberg hôm nay 23.7 đưa tin, sắp tới, Thái Lan sẽ cấm bán rượu bia ở khu vực gần các trường đại học và cao đẳng. Động thái này khiến Thái Lan trở thành nước đi đầu trong số các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương vốn đang nỗ lực để kiềm chế tiêu thụ bia.
Theo những đổi mới trong luật kiểm soát rượu vừa được chính phủ Thái Lan phê duyệt ngày 22.7 và sẽ có hiệu lực trên cả nước từ tháng sau, các quán bar, câu lạc bộ hay cửa hàng bán lẻ sẽ bị cấm bán đồ uống có cồn trong bán kính 300 mét xung quanh các trường đại học, cao đẳng.
Theo Bộ y tế nước này, biện pháp trên nhằm thúc đẩy lối sống lành mạnh, giải quyết phần nào vấn đề liên quan đến rượu bia. Trong đó, bao gồm cả vấn đề quan hệ tình dục trước tuổi vị thành niên.
“Thái Lan có truyền thống mạnh trong việc kiềm chế mức tiêu thụ rượu và giảm tác hại liên quan đến cồn. Chính phủ Thái Lan có cơ chế thuế giúp họ đánh thuế đến mức các loại đồ uống có cồn ra khỏi danh sách các thức uống hấp dẫn giới trẻ”, giáo sư Juergen Rehm, Chủ tịch chính sách cai nghiện tại Trường Y tế công cộng Dalla Lana thuộc Đại học Toronto (Canada) cho hay.
Quán nhậu bia hơi vỉa hè ở Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng |
Ngoài Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Trung Quốc và một số vùng ở Ấn Độ đã và đang áp dụng các chính sách nhằm hạ lượng cầu bia rượu trong những năm qua.
Tại Việt Nam, thuế tiêu thụ với thức uống có cồn đặc biệt được nâng lên 55% từ tháng 1.2016 và 65% từ năm 2018. Ở Philippines, “thuế tội lỗi” đã được đánh vào bia rượu và thuốc lá từ năm 2012, giúp giá 1 lít bia tăng thêm 22 peso, tương đương 50 cent. Đến Malaysia, các cửa hàng tiện lợi và cửa hàng nhỏ bị cấm bán bia.
Đối với Ấn Độ, tháng 8 năm ngoái, bang Kerala ban hành đạo luật sẽ giúp khu vực này tiến đến việc cấm thức uống có cồn gần như hoàn toàn trong vòng 10 năm. Chỉ có các khách sạn xa xỉ mới được bán rượu bia, còn số cửa hàng rượu bia thuộc sở hữu của nhà nước sẽ giảm 10% mỗi năm. Hiện ít nhất 400 quán bar ở các khách sạn nhỏ đã bị đóng cửa do không được cấp phép, và 300 quán khác cũng sẽ sớm bị đóng cửa.
Tuy nhiên, theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), không phải tất cả các quốc gia châu Á đều nỗ lực kiềm chế rượu bia. Myanmar là nước không có chính sách hoặc kế hoạch quốc gia để giải quyết vấn đề. Nước này không có yêu cầu pháp lý nào đối với các quảng cáo thức uống có cồn.
Trên thế giới, hơn một chục nước khác cũng không giới hạn độ tuổi tối thiểu được phép dùng đồ uống có cồn.
Nguồn : Thu Thảo - Thanhnien.com.vn
0 nhận xét