28/03/2018
Hiện nay ở nước ta, việc kết hợp mô hình nấu rượu - nuôi lợn đã triển khai thành công trên rất nhiều khu vực đồng bằng, miền núi, từ các hộ gia đình nấu rượu nhỏ lẻ đến những khu trang trại chăn nuôi rộng lớn. Việc tận dụng bã rượu (bỗng rượu) đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong việc cung cấp thức ăn chăn nuôi, cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường.
Dưới đây là chia sẻ một vài mô hình kết hợp nấu rượu - nuôi lợn đã thực hiện thành công:
1. Mô hình chăn nuôi kết hợp với sản xuất rượu ngô tại Cao Bằng.
Mô hình này được áp dụng tại nhà ông Vi Văn Phước và bà con xã vùng cao Lục Khu, Hà Quảng, Cao Bằng và thành công đạt được khi gắn liền với thương hiệu Rượu Ngô Thiên Vương.
Cùng tìm hiểu chi tiết mô hình kết hợp VAC nấu rượu - nuôi lợn - và trồng cây trang trại tại khu vườn nhà ông Phước.
- Với quy mô 300 con lợn thương phẩm, một năm cho 25.500 kg lợn hơi, bán với giá 48.000 đ/kg cho tổng thu 1.224.000.000 đồng, trừ chi phí đầu tư chăn nuôi 600.000.000 đồng/năm, còn thu lãi 624.000.000 đồng. Nguyên nhân có chi phí sản xuất thập là do gia đình đã biết tận dụng bã rượu làm thức ăn cho lợn. Gia đình đang có hướng mở rộng trang trại để tăng số nái để và nâng số lượng đàn lợn thương phẩm lên 600 con/năm.
- Để phát triển bền vững và có hiệu quả về chăn nuôi lợn, năm 2013, gia đình ông Phước đã tiếp tục đầu tư thêm mô hình sản xuất rượu mang thương hiệu “Rượu ngô Thiên vương” với mục đích:
+ Tạo ra sản phẩm rượu sạch
+ Tận dụng phế phẩm bã rượu phục vụ chăn nuôi lợn.
+ Tạo điều kiện giúp đỡ cho bà con nông dân 12 xã vùng cao Lục Khu - Hà Quảng tiêu thụ nguồn nguyên liệu ngô thương phẩm giống địa phương – một nguồn gen quý cần được bảo tồn.
Xưởng sản xuất rượu được xây dựng hoàn toàn khép kín gồm các khu:
- Văn phòng làm việc.
- Phân xưởng phân loại và tách nguyên liệu ngô. Nguyên liệu ngô được sử dụng là giống ngô bản địa, hạt nhỏ, không lai tạp
- Phân xưởng chế biến rượu ngô: có khu lên men, khu chưng cất, khu lọc khử độc tố rượu, hầm ủ tàng trữ rượu, khu chiết chai và đóng gói sản phẩm, kho thành phẩm. Các thiết bị hiện đại đều đang được đầu tư lắp đặt tại các khu riêng, phải kể đến một số thiết bị chính như nồi chưng cất rượu bằng điện, hệ thống máy lọc độc tố rượu, thiết bị chiết rót và đóng nắp chai thành phẩm, dụng cụ đo độ rượu,...
- Phế phẩm sau khi chưng cất rượu là bã rượu được chuyển theo một đường ống dẫn đến bể chứa thức ăn cho lợn, từ đó bã rượu được phân phối đến các chuồng lợn theo khẩu phần quy định.
- Để giải quyết vấn đề môi trường cho chăn nuôi, gia đình ông Vi Văn Phước đã đầu tư xây dựng 3 hầm Biogas với thể tích 140 m3. Phân lợn từ các ô chuồng được rửa sạch hàng ngày chạy theo đường ống vào khu hầm khí Biogas. Khí sinh học từ hầm khí Biogas được dẫn về lò đốt để nấu ngô, chưng cất rượu và phục vụ sinh hoạt của gia đình theo một hệ thống khép kín. Bã phân từ hầm Biogas được sử dụng bón cho rau màu và cây ăn quả.
Cách bố trí sản xuất theo một hệ thống khép kín đã giúp cho việc quản lý và kiểm soát chặt chẽ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Bao quanh khu trang trại là khu rừng thông, sa mộc, các loại cây ăn quả và cây cảnh khác.
- Trang trại của gia đình ông Phước đã giải quyết được công ăn việc làm cho 15 lao động, lương bình quân 4.000.000 đ/tháng/người. Gia đình ông Vi Văn Phước đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba và được đề cử đi dự Đại hội thi đua toàn quốc vào tháng 12/2015 tại Hà Nội sắp tới. Đó là những con số được thống kê cách đây 3 năm trước. Hiện nay, quy mô này được mở rộng ra rất nhiều và cơ sở thiết bị hiện đại ngày càng được đầu tư hơn rất nhiều.
2. Mô hình kết hợp nấu rượu và chăn nuôi lợn tại xã Cao Trĩ - Ba Bể, Bắc Cạn.
Tại gia đình chị Đặng Thị Tường - thôn Bản Ngù II, xã Cao Trĩ, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Cạn cũng là gia đình đã áp dụng mô hình kết hợp nấu rượu - nuôi lợn này thành công từ năm 2007, thu nhập rất cao, lên tới 100 triệu đồng/năm.
- Không dồi dào đất sản xuất như các hộ dân khác trong thôn, nên gia đình chị Đặng Thị Tường - thôn Bản Ngù II, xã Cao Trĩ, huyện Ba Bể chọn nghề nấu rượu kết hợp với chăn nuôi lợn. Chị Tường cho biết: gia đình chị đã duy trì việc nuôi lợn bằng cách nấu rượu được hơn 10 năm nay, khi phong trào nuôi lợn đang phát triển. Hiện gia đình chị đang nuôi hơn 30 con lợn thịt, lúc cao điểm lên tới 50 con; mỗi ngày chị nấu 3 mẻ rượu, sản xuất ra hơn 70 lít rượu, tương đương với 50kg gạo. Để bã rượu trở thành nguồn thức ăn chính trong chăn nuôi và lượng rượu làm ra có nơi tiêu thụ ổn định, chị Tường đã tiếp cận với thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm. Ban đầu chị “tiếp thị” những hàng quán trong vùng. Khi lượng rượu đủ lớn, khách hàng đủ quen chị mở rộng thị trường ra những vùng trong và ngoài tỉnh như: Thị trấn Phủ Thông, Thành phố Bắc Kạn, Thái Nguyên...
- Chị Tường chia sẻ: “Gia đình tôi kết hợp nấu rượu với chăn nuôi lợn đã từ nhiều năm nay, tôi thấy việc kết hợp nấu rượu với chăn nuôi đem lại hiệu quả rất tốt. Thứ nhất tôi tận dụng được nguồn bã rượu để trộn với bột ngô, sắn, cám gạo và thức ăn xanh để ép đùn ra viên cám tổng hợp để chăn lợn; thứ hai nữa là tiết kiệm được công nấu cám và dùng cám này con lợn nó ham ăn hơn, lớn nhanh hơn và chất lượng thịt của lợn đạt tốt hơn, được thị trường ưa chuộng hơn...”
- Nghề nấu rượu nuôi lợn đã giúp gia đình chị có thu nhập hàng 100 triệu đồng/năm. Trong lúc giá thức ăn chăn nuôi đắt đỏ như hiện nay, việc nấu rượu để nuôi lợn đã giúp chị tiết kiệm chi phí chăn nuôi. Để lợn ăn khỏe và đủ chất dinh dưỡng chị đã trộn thêm cám ngô, cám gạo, thức ăn xanh, chuối với bã rượu cho vào máy trộn nghiền để làm ra những viên cám tổng hợp đảm bảo đủ dưỡng chất cho lợn sinh trưởng và phát triển. Cũng theo chị Tường bã rượu có giá trị dinh dưỡng cao, cùng với những axit amin, bã rượu còn chứa nhiều khoáng chất và vitamin giúp kích thích tiêu hóa, lợn ăn chóng lớn. Bã rượu còn làm cho lợn ít hoạt động nên ít tiêu hao năng lượng, tăng trọng nhanh.
- Chị Tường cho biết thêm: “Trong thời gian tới gia đình tối sẽ mở thêm một số chuồng trại để tăng thêm đàn lợn và tăng thêm lượng nấu rượu để có thêm bã chăn nuôi. Hơn nữa lượng rượu tiêu thụ ra sẽ giúp cho gia đình tôi có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống hàng ngày...”
Xem thêm: Hiệu quả từ việc đầu tư hệ thống máy lọc rượu tại Huyện Hải Lăng, Quảng Trị.
0 nhận xét