20/12/2024
(ANTV) - Người dân xứ sở anh đào vô cùng vui mừng và tự hào khi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) mới đây đã chính thức công nhận kỹ thuật nấu rượu sake của Nhật Bản là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Giờ đây, sake sẽ sánh vai cùng những biểu tượng văn hóa ẩm thực nổi tiếng thế giới khác như rượu vang Georgia, bia Bỉ hay rượu rum Cuba, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước mặt trời mọc đến bạn bè quốc tế.
Một trong những niềm tự hào của người dân Nhật Bản, phương pháp nấu rượu gạo sake truyền thống, đã được thêm vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể của UNESCO sau cuộc họp của tổ chức này ở Luque, Paraguay ngày 4/12 (giờ địa phương).
Ông KANO TAKEHIRO, Đại sứ Nhật Bản tại UNESCO cho biết: “Tôi vinh dự bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất của mình đối với việc ghi nhận kiến thức và kỹ năng truyền thống về sản xuất rượu sake bằng nấm koji tại Nhật Bản. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với đất nước và người dân Nhật Bản, đặc biệt là những người tham gia sản xuất rượu sake, nó sẽ giúp khơi dậy lại sự quan tâm đến sản xuất rượu sake truyền thống, cả trong và ngoài Nhật Bản.”
Thành phần cơ bản của rượu sake bao gồm gạo, nước, men và koji. Toàn bộ quy trình đều được thực hiện cực kỳ nghiêm ngặt, từ khâu lựa chọn giống gạo đến khâu ủ rượu sẽ mất đến 6-12 tuần và được chia thành 8 công đoạn. Kỹ thuật nuôi cấy nấm koji được xem là chìa khóa để tạo nên sự khác biệt về hương vị rượu sake truyền thống của Nhật Bản.
Bên cạnh đó, rượu sake cũng sử dụng phương pháp “lên men nhiều lần song song” hiếm có trên thế giới để nấm Koji có thể chuyển hóa tinh bột có trong nguyên liệu thành đường, sau đó lên men để chuyển thành hóa rượu.
Giới chức Nhật Bản cho biết, sự công nhận của UNESCO không chỉ ghi nhận kiến thức thủ công về việc làm rượu sake chất lượng cao mà còn tôn vinh một truyền thống có từ khoảng 1.000 năm trước.
Ông HITOSHI UTSUNOMIYA, Giám đốc Hiệp hội sản xuất Sake và Sochu Nhật Bản cho biết: “Việc ủ rượu sake sử dụng koji đã diễn ra trong hơn 1.000 năm. Nó cũng gắn liền chặt chẽ với văn hóa của người Nhật, và tôi nghĩ rằng đó là một kho báu mà Nhật Bản nên tiếp tục trân trọng trong tương lai, cũng như là một nguồn đa dạng văn hóa có giá trị cho thế giới.”
Giới chức Nhật Bản kỳ vọng, việc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể sẽ khôi phục lại hình ảnh rượu sake là thức uống có cồn hàng đầu của Nhật Bản, ngay cả khi những người trẻ tuổi ở nước này dần chuyển sang rượu vang nhập khẩu hoặc bia và rượu whisky trong nước.
Ông HITOSHI UTSUNOMIYA, Giám đốc Hiệp hội sản xuất Sake và Sochu Nhật Bản chia sẻ: “Tôi hy vọng rằng đây cũng sẽ là cơ hội để người Nhật Bản nhìn nhận lại rượu sake, shochu và awamori đích thực, những thứ là tinh túy của nền văn hóa của họ. Tôi muốn họ thử dù chỉ một lần và xem nó có vị như thế nào.”
Rượu sake là một phần không thể thiếu trong các lễ hội và sự kiện hàng năm của Nhật Bản, được kết hợp hài hòa với lối sống cũng như văn hóa ẩm thực bốn mùa tại xứ sở hoa anh đào. Do đó, tìm hiểu về sake chính là cách tiếp cận sâu sắc hơn với văn hóa truyền thống của Nhật Bản.
Hiện nay, nhiều địa phương của Nhật Bản đang thúc đẩy các hoạt động quảng bá văn hóa rượu sake thông qua các tour “du lịch rượu sake”, để du khách trong và ngoài nước có thể trải nghiệm thực tế.
Anh KELVIN CHUA, Du khách Singapore chia sẻ: “Nó có vị như nước suối tươi. Rượu này nhẹ, nhưng rất thơm và có mùi trái cây. Rượu sake là đặc trưng của Nhật Bản. Vì vậy, chúng tôi ở đây để tìm hiểu và chiêm nghiệm văn hóa từ thực phẩm và đồ uống.”
Các nhà máy rượu sake trải dài trên khắp Nhật Bản, với ít nhất một nhà máy tại tất cả 47 tỉnh thành, nơi họ làm quen với điều kiện khí hậu địa phương để tạo ra hương vị độc đáo riêng.
Chị KAORI ANDO, Người dân Nhật Bản chia sẻ: “Tôi thích uống thử và đánh giá cao hương vị khác nhau của rượu sake được sản xuất bởi các nhà máy từ các vùng khác nhau.”
Nghệ thuật nấu rượu sake truyền thống đánh dấu mục thứ 23 của Nhật Bản trên danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể, bên cạnh các nghệ thuật văn hóa quan trọng khác như washoku - văn hóa ẩm thực truyền thống của Nhật Bản, và nghệ thuật kịch kabuki.
0 nhận xét