30/11/2017
Rượu cần là loại rượu truyền thống được xem là đặc sản của một số dân tộc thiểu số nước ta. Cùng KAG tìm hiểu cách làm rượu cần Tây Nguyên của người Chu Ru.
1. TÌM HIỂU VÀI NÉT VỀ RƯỢU CẦN TÂY NGUYÊN
- Rượu cần của người Chu Ru đồng bào Tây Nguyên thường được sử dụng trong các lễ hội làng, lễ Tết, ma chay, cưới hỏi,...Nó là thức uống không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Bất cứ gia đình nào, dù nghèo đến mấy cũng phải có chóe rượu để sẵn trong nhà phòng khi có khách và những dịp buôn làng có lễ hội. Đồng thời chóe rượu cần là tài sản để đánh giá sự giàu nghèo của các gia đình trong cộng đồng nên chiều sâu về giá trị tinh thần càng cao thì ý nghĩa vật chất càng lớn.
Ngày xưa, người dân nơi đây tin rằng, mỗi chóe rượu có một vị Thần coi giữ, nên người ta rất kiêng việc làm vỡ chóe rượu trong khi uống. Để tránh những việc đáng tiếc xảy ra trong khi uống, người ta thường buộc chóe rượu vào một cái cột hoặc một cọc gỗ thường cao khoảng một mét, nhưng ở nhà Rông thì chiếc cọc này cao vút đến tận nóc nhà. Trên đầu cây, có hoa văn trang trí những tua ren hoa lá sặc sỡ. Rượu Cần quý vì nhiều lẽ, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cho rằng, rượu của họ là do Yang (thần) bày cho cách làm, mỗi khi cúng Yang hoặc tế lễ thần linh thì phải có rượu Cần lời cầu nguyện mới linh nghiệm.
- Rượu Cần được uống trực tiếp từ chóe, cần uống được làm từ cây trúc hay tre nhỏ, thông ruột. Người ta buộc những chóe rượu vào những cây cột để tránh ngã và cũng là để cho Yang xuống cùng chung vui.
Hình ảnh rượu cần trong lễ hội làng Tây Nguyên.
- Khác với loại rượu cần của dân tộc khác, rượu cần của người Chu-ru được làm từ một loại men đặc biệt, đó là thứ men được chế biến từ các loại cây trong rừng. Cách chế biến này tương đối phức tạp. Đầu tiên là phải vào sâu trong rừng tìm cho được 5 loại cây đặc chế. Trong 5 loại cây thì Động Patơi, Động đă, Đóng ở mre, Dong Wong được ví như thứ men “đực”, kết hợp với cây Kzut là men “cái”, sẽ tạo nên một hợp chất ngọt ngào trong rượu, là sự hoà hợp âm dương giúp cho người uống không bị đau đầu, đau bụng.
2. BẬT MÍ CÁCH LÀM RƯỢU CẦN CỦA NGƯỜI CHU RU
Rượu cần người Chu Ru rất đặc biệt, đặc biệt từ nguồn men, nguồn gạo, đến nguồn nước và cả quy trình chưng cất.
- Hướng dẫn cách làm men nấu rượu cần: Như đã biết, nguồn men được sử dụng là loại men chế từ 5 loại cây trong rừng. Các loại cây này bao gồm Dong Patơi, Dong dă, Dong ở mre, Dong Wong được ví như thứ men “đực”, kết hợp với cây Kzut là men “cái”. Sau khi có đủ 5 loại cây trên, người ta đem phơi 4 loại men “đực” cho héo, rồi đem băm nhỏ, bỏ vào cối giã cho đến khi thành bột. Sau đó bỏ vỏ vào nia đem phơi nắng cho khô.
Bấy giờ người ta đem gạo ra ngâm nước một đêm, vớt ra để cho ráo, rồi giã thành bột. Cây men “cái” Kzut bây giờ mới đem ra sử dụng bằng cách bỏ vào nồi nước đun cho thật sôi cho ra hết chất men trong cây. Cuối cùng trộn tất cả lại thành thứ hỗn hợp bột cây lẫn với bột gạo, nhào cho dẻo và nặn thành từng nắm tay hay vo tròn như quả trứng. Đây là men để làm rượu. Đem men sắp vào chiếc rá hay thau nhựa, lấy lá Kzut đắp lên mặt để qua đêm. Hôm sau đem phơi ra nắng cho thật khô. Men này chỉ sử dụng làm rượu sau một tháng, nếu đem dùng sớm quá rượu bị chua, còn nếu để lâu hơn 6 tháng thì men sẽ mất tác dụng.
- Lựa chọn nguồn gạo nấu cơm rượu: nguồn gạo nấu là gạo lức, kết hợp với vỏ trấu.
- Nguồn nước nấu rượu cần Tây Nguyên: Nguồn nước nấu rượu là nước suối trong vắt lấy từ các khe sâu trong núi. Nước suối mát lạnh ngấm vào men tạo ra thứ rượu có mùi vị thật đặc biệt.
- Quy trình nấu rượu cần của đồng bào người Tây Nguyên:
Đầu tiên nấu gạo thành cơm, khi chín đổ ra nia rồi đánh cho tơi, nhất thiết không để bị đóng cục. Men giã nhỏ trộn đều với cơm. Sau đó trộn một ít vỏ trấu vào hỗn hợp cơm và men rồi ủ trong gùi độ 24 giờ. Ủ xong đổ ra nia trộn lại một lần nữa cho thật đều mới cho vào chiếc ché. Cuối cùng lấy tro bếp nhồi với ít nước cho thật dẻo rồi đắp lên miệng làm nắp đậy. Để rượu từ 10 hôm cho đến giáp một tháng là uống được, nhưng rượu ngon nhất vẫn là rượu để vài ba tháng.
Cách làm rượu cần cũng khá đơn giản, không cần đến các thiết bị chưng cất rượu hiện đại, chỉ sau vài tháng là có ngay hũ rượu cần ngon tuyệt, mang đậm hương vị truyền thống núi rừng Tây Nguyên.
Trên đây là cách làm rượu cần của người Chu ru, tuy nhiên ở mỗi vùng miền lại có cách lựa chọn nguyên liệu và ủ men khác nhau, nhưng mỗi vùng đều tạo nên được nét đặc trưng riêng mang hương vị đặc trưng của vùng đó.
Xem thêm bài viết hữu ích khác:
- Quy trình nấu rượu Hang Chú - Tây Bắc
- Cách nấu rượu quê Kim Sơn chuẩn theo phương thức gia truyền
0 nhận xét