12/08/2019
Nấu rượu không chỉ đơn giản là quá trình lên men, chưng cất rượu, bỏ vào chum và uống rượu không chỉ đơn giản là uống cho vui mà còn mang cả nét văn hóa độc đáo của từng vùng miền, quốc gia, dân tộc. Quá trình nấu rượu có những quy định khắt khe, nghiêm ngặt, cách thưởng thức rượu cũng đa dạng độc đáo không kém.
Kiêng kỵ khi chọn men và làm men nấu rượu
Khi nấu rượu thường kiêng kỵ rất khắt khe để mong rằng nấu rượu không bị hỏng dẫn đến lãng phí lương thực và lỡ công lỡ việc đồng áng. Và việc đầu tiên người nấu rượu quan đâm đó là men rượu. Để có được loại men tốt, khi mua nguyên liệu về người ta hay làm men vào dịp cuối xuân hoặc dịp giữa thu là lúc thời tiết ôn hòa nhất. Tuy vậy, để có được thứ men rượu tốt, ngoài việc có nguyên liệu tốt, kinh nghiệm làm men thì người làm men còn kiêng kỵ nhất khi làm men vào dịp mùa xuân bỗng dưng có cóc kêu đẻ trứng ngoài đồng. Hiện tượng này được lý giải như sau, tiết trời xuân đang mát mẻ mà bỗng dưng cóc đẻ là lúc thời tiết chuyển nóng bất thường khiến bột làm men dễ bị ôi thiu, chất men gặp thời tiết nóng thì khó lên men.
Ngoài ra, khâu làm men là tối quan trọng quyết định đến chất lượng của rượu sau này, nên khi gia chủ làm men thì người lạ, người “vía dữ” kể cả người trong nhà không được đến gần khu vực làm men. Thành thử khi làm men, chủ nhà chuẩn bị sẵn các loại nguyên liệu, dụng cụ chờ đến đêm lúc mọi người đã đi ngủ hết rồi thì mới tiến hành.
Khi dùng men để ủ lẫn các loại ngũ cốc thì chủ nhà cũng kiêng kỵ như trên. Tuy nhiên, yếu tố thời tiết nóng, lạnh không còn là vấn đề đáng ngại nữa, bởi trời nóng hay lạnh đã ổn định và người làm rượu sẽ căn cứ vào thời tiết để điều chỉnh thời gian ủ men dài hay ngắn, lượng men tăng hay giảm, đạy dụng cụ ủ rượu… sao cho không quá nóng, quá lạnh để tạo nhiệt độ ủ phù hợp khi men rượu và các loại nguyên liệu từ ngũ cốc đang trong quá trình lên men.
Trong lúc nấu rượu cần cấm kỵ điều gì để cho "vía tốt, rượu ngon"
Trong lúc chưng cất rượu người ta hạn chế những người "vía dữ" qua lại khu vực nấu rượu mà đặc biệt là nồi nấu rượu đang chưng cất. Có 2 cách để người ta hạn chế tối đa vía dữ này:
Thứ nhất, trường hợp người lạ đến nhà, nếu lo mình “vía dữ” sẽ làm hỏng nồi rượu của gia chủ thì có thể tự rửa qua tay mình bằng nước ở chậu thủy thượng ngưng tụ rượu đặt trên đầu chõ rượu rồi hơ tay vào bếp với nghĩa để tẩy uế rồi làm thêm động tác đun củi vào bếp lò như bày tỏ sự thành tâm. Việc làm này khiến chủ nhà sẽ vui vẻ, yên tâm nồi rượu sẽ tốt, thậm chí còn hứng một tí rượu đang chảy để khách nếm thử cho may mắn.
Thứ 2, để kiêng kỵ người “vía dữ” người ta đặt ở bên cạnh chõ rượu một con dao với ý nghĩa để xua đuổi những điều không tốt. Người cẩn thận thì khi cất rượu sẽ đóng kín cổng ra vào, cửa bếp hoặc làm bếp lò ở nơi ít người qua lại. Củi nấu rượu phải là củi sạch chứ không thể là cọc rào hay cột chuồng trại cũ hỏng…
Thứ 3, theo quan niệm của người Tày, chỉ có phụ nữ mới được nấu rượu, vì người xưa quan niệm nấu rượu cần sự khéo léo, tỉ mi, và chỉ những người phụ nữ khéo tay mới có thể cho ra được những mẻ rượu thơm ngon, tinh túy.
Người dân Bắc Hà - Lào Cai thường để dao và 2 chiếc chén bên cạnh nồi nấu rượu để trừ vía dữ.
Để cho lượng rượu thành phẩm nhiều hơn và ngon hơn, chúng ta cần kiêng kỵ điều gì?
Người ta thường lấy những giọt rượu ngon mới chảy ra từ chõ rượu hắt vào bếp lửa, hắt ra ngoài sân, sau nhà để cầu mong vua bếp, thần linh thổ địa phù hộ rượu nhiều hơn và ngon hơn . Sau khi làm những động tác này, chủ nhà vẫn để hai lưng chén rượu cạnh bếp để vua bếp, thần linh thổ địa cùng ma nhà tiếp tục thụ hưởng thứ sản vật tinh túy làm ra từ ngọc thực.
Đây là những quan niệm của người xưa mà đặc biệt là các bà con khu vực vùng cao. Những điều cấm kỵ khi nấu rượu của người xưa hiện nay vẫn đang còn lưu lại khá nhiều ở những vùng núi, nó trở thành 1 nét đẹp trong truyền thống nấu rượu của bà con.
Tuy nhiên, với những khu vực đồng bằng, khi họ sản xuất rượu với số lượng nhiều, người ta chỉ quan tâm đến việc đầu tư thiết bị sản xuất rượu sao cho hiện đại nhất và hiệu quả nhất.
Văn hóa uống rượu của người Việt
Sau khi trải qua những giai đoạn kiêng kỹ cẩn thận để có được những chum rượu ngon, người ta có thể an nhàn thưởng thức thành quả lao động. Uống rượu cũng là nét văn hóa độc đáo của từng vùng. Rượu uống khi buồn bã, suy tư có lối uống rượu độc ẩm (uống một mình), lúc chuyện trò với bằng hữu, người tri âm tri kỷ người ta uống rượu theo lối đối ẩm (2 người), lúc cần vui nhộn, giao lưu người ta có lối uống quần ẩm (có thể 4, 5 người hoặc nhiều hơn nữa).
Cái sâu sắc của văn hóa rượu Việt Nam là “độc ẩm” nhưng không phải chỉ theo nghĩa đơn thuần là một mình mà “độc ẩm” là sự giao lưu, tâm sự giữa con người với trời đất tẳng sao, giữa thể xác với tâm hồn thông qua chén rượu là sợi dây kết nối. Cách uống rượu theo lối “quần ẩm” của người Việt cũng độc đáo lạ thường. Người Mường, người Thái, người Bana, Êđê trong những ngày hội lớn họ uống rượu theo lối “đại quần ẩm” bằng cách dùng bình rượu cần với hàng chục cần vít con xuống để uống cho đậm đà tình người. Còn ở Nam bộ cũng có cách uống rượu theo lối “tứ hải giai huynh đệ”, anh em bốn cõi một nhà mà chỉ cần dùng một cái ly thôi, khi rượu đã đong đầy cứ thế truyền tay nhau uống cho đến hết ly này đến ly khác, đến hết chum rượu này sang chum rượu khác để cho tình anh em huynh đệ ngày càng thêm bền chặt.
Xem thêm bài viết hữu ích khác: - Bộ thiết bị nấu rượu hiện đại phục vụ cho ngành sản xuất rượu - Giới thiệu men rượu và 1 số phương pháp làm men rượu - Quy trình sản xuất rượu gạo truyền thống - Cách rượu rượu ngô độc đáo của người Bản Phố - Bắc HàLiên hệ Công ty KAG Việt Nam Hotline 0904685252 Website maythucphamkag.com Email kagtechvn@gmail.com Địa chỉ số 115 ngõ 509 Vũ Tông Phan, Thanh Xuân, Hà Nội
0 nhận xét